Trường Đại Học Bách Khoa

Khoa môi trường và tài nguyên

  • Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Thông báo chương trình SUSI Học giả 2019

17/12/2018 - 10:07 AM

ĐẠI SỨ QUÁN HOA KỲ - HÀ NỘI

TỔNG LÃNH SỰ QUÁN HOA KỲ - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

PHÒNG VĂN HOÁ - THÔNG TIN

 

Thông báo

CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU HOA KỲ

DÀNH CHO HỌC GIẢ VÀ CHUYÊN VIÊN GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 

Phòng Văn hoá - Thông tin (PAS), Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh đang tuyển ứng viên tham gia chương trình Nghiên cứu Hoa Kỳ dành cho học giả và  chuyên gia giáo dục phổ thông năm 2019. Giảng viên đại học, nhà nghiên cứu và các chuyên gia giáo dục phổ thông có nguyện vọng tham gia các chương trình này xin vui lòng hoàn chỉnh mẫu đơn dự tuyển và gửi về cho PAS. Kết quả xét tuyển sẽ được thông báo vào đầu tháng 4/2019.

Hạn chót nộp hồ sơ là 11:59 tối thứ Tư, ngày 2/1/2019. Hồ sơ nộp quá hạn sẽ không được xét duyệt.

Khái quát về Chương trình

Chương trình Nghiên cứu Hoa Kỳ là các chương trình nghiên cứu nâng cao bậc sau đại học kết hợp tham quan thực tế nhằm cung cấp cho giảng viên đại học và các nhà nghiên cứu về Hoa Kỳ kiến thức chuyên sâu về xã hội, văn hoá và thể chế của Hoa Kỳ. Khi về nước, hy vọng những kiến thức và kinh nghiệm học viên lĩnh hội được từ chương trình sẽ giúp củng cố giáo trình và nâng cao chất lượng giảng dạy về Hoa Kỳ ở các trường học và cơ quan của học viên.

Mỗi chương trình phụ trách một nhóm chuyên viên đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới và dài sáu tuần, bắt đầu khoảng giữa tháng 6/2019. Việt Nam được đề cử 01 ứng viên cho mỗi chương trình dưới đây. Mọi chi phí tham gia chương trình bao gồm phí quản lý, đi lại trong nước và quốc tế, ăn ở, mua sách, phụ cấp hoạt động văn hoá, thư tín và các chi phí phát sinh khác sẽ do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đài thọ.

Các ứng viên quan tâm có thể truy cập trang web của chương trình tại: http://exchanges.state.gov/susi để biết thêm thông tin về chương trình.

Tóm tắt các Chương trình Nghiên cứu Hoa Kỳ

     1. Chương trình Nghiên cứu Văn hoá và các Giá trị của Hoa Kỳ

Chương trình Nghiên cứu Văn hoá và Xã hội Hoa Kỳ cung cấp cho một nhóm 18 giảng viên đại học và chuyên viên đa quốc gia kiến thức chuyên sâu về xã hội, các thể chế xã hội dân sự, nguyên tắc dân chủ, quyền con người và nhà nước pháp quyền của Hoa Kỳ. Chương trình nghiên cứu các khái niệm về chủ nghĩa biệt lệ và tính kiên cường của người Mỹ trong những bối cảnh xã hội, chính trị và tôn giáo, mà theo dòng lịch sử các nền văn hoá khác nhau đã biểu hiện và hình thành nền văn hoá đương đại, các giá trị và xã hội của Hoa Kỳ.

2.  Chương trình Nghiên cứu Chính trị và Tư duy Chính trị Hoa Kỳ

Chương trình Nghiên cứu Chính trị và Tư duy Chính trị Hoa Kỳ cung cấp cho một nhóm 18 giảng viên đại học đa quốc gia sự hiểu biết sâu sắc về những trào lưu trí thức và chính trị đã ảnh hưởng đến các thể chế chính trị hiện nay của Hoa Kỳ và những luồng tư tưởng chính trị chủ yếu của Hoa Kỳ từ giai đoạn thuộc địa đến nay. Dựa trên phương pháp tiếp cận Phát triển Chính trị Hoa Kỳ, chương trình sẽ cung cấp kiến thức đầy đủ và đa chiều về tư duy chính trị của Hoa Kỳ, sự liên kết giữa tư duy đó với các quan điểm chính trị, chính sách công và thể chế Hoa Kỳ, bằng cách liên kết các vấn đề đương đại với những tranh luận lịch sử và xã hội. Chương trình sẽ khảo sát những chủ đề đặc trưng, bao gồm chính quyền tự trị và giới hạn, tự do, quyền được tự do, chủ nghĩa cá nhân và bản sắc, sự bình đẳng và bất bình đẳng cũng như Giấc Mơ Mỹ. Chương trình còn bao gồm hai tuần tham quan học tập đến các thành phố New York, Philadelphia và Harrisburg, bang Pennsylvania, Shepherdtown, bang West Virginia, Charlottesville, bang Virginia, và thủ đô Washington D.C.

3. Chương trình Nghiên cứu Văn học Hoa Kỳ đương đại

Chương trình Nghiên cứu Văn học Hoa Kỳ đương đại cung cấp cho một nhóm 18 giảng viên đại học và các nhà nghiên cứu đa quốc gia kiến thức chuyên sâu về văn hoá và xã hội Hoa Kỳ, quá khứ cũng như hiện tại, qua việc nghiên cứu về nền văn học Hoa Kỳ đương đại. Chương trình có hai mục đích: nghiên cứu các nhà văn Hoa Kỳ đương đại và tác phẩm của họ thuộc nhiều thể loại khác nhau; đồng thời gợi ý bằng cách nào những chủ đề trong các tác phẩm này phản ánh những dòng chảy rộng lớn hơn của xã hội và văn hoá Hoa Kỳ đương đại.

Chương trình cũng sẽ nghiên cứu sự đa dạng trong diện mạo văn học Hoa Kỳ, tìm hiểu cách các nhà văn, các trường phái và trào lưu đương đại phản ánh những truyền thống của chuẩn mực văn học Hoa Kỳ. Đồng thời, chương trình cũng giúp học viên tiếp cận với những nhà văn đại diện cho sự bứt phá khỏi truyền thống cũ và đang vạch ra những hướng đi mới cho văn học Hoa Kỳ.

4. Chương trình Nghiên cứu Báo chí và Truyền thông

Chương trình Nghiên cứu Báo chí và Truyền thông cung cấp cho một nhóm 18 giảng viên đại học ngành báo chí và chuyên viên các lĩnh vực liên quan đa quốc gia kiến thức chuyên sâu về vai trò của báo chí và truyền thông trong xã hội Hoa Kỳ. Chương trình sẽ tìm hiểu về vai trò của nhà báo trong việc phát hiện và ngăn chặn những và tìm hiểu các chiến lược mà giới báo chí truyền thông sử dụng để ngăn chặn thông tin sai lệch. Ngoài ra, chương trình còn tìm hiểu những phương pháp hiệu quả nhất trong lĩnh vực báo chí qua trao đổi quyền và trách nhiệm của truyền thông trong xã hội dân chủ, bao gồm tính độc lập trong công tác biên tập, đạo đức báo chí, các chế tài pháp lý và nền báo chí quốc tế. Chương trình còn cung cấp các phương pháp sư phạm để truyền đạt cho sinh viên báo chí những nghiệp vụ cơ bản: nghiên cứu, tư duy phản biện, đưa tin, phỏng vấn, viết bài và biên tập. Chương trình cũng sẽ nêu bật tác động của công nghệ đối với báo chí, bao gồm ảnh hưởng của Internet, tính toàn cầu hoá của truyền thông thông tin, cũng như những sự thay đổi khác đang làm biến đổi nghề báo.

5. Chương trình Nghiên cứu sự Đa dạng Tôn giáo ở Hoa Kỳ

Chương trình Nghiên cứu sự Đa dạng Tôn giáo ở Hoa Kỳ cung cấp cho một nhóm 18 giảng viên đại học và các nhà nghiên cứu đa quốc gia kiến thức chuyên sâu về văn hoá và xã hội Hoa Kỳ, quá khứ cũng như hiện tại, qua việc nghiên cứu về sự đa dạng tôn giáo ở Hoa Kỳ và tác động qua lại đối với nền dân chủ của Hoa Kỳ. Sử dụng cách tiếp cận đa ngành, dựa trên các ngành như lịch sử, khoa học chính trị,  nhân chủng học, xã hội học, luật và các ngành khác, chương trình sẽ nghiên cứu mối quan hệ cả trong lịch sử lẫn hiện tại giữa tôn giáo và nhà nước ở Mỹ. Học viên cũng sẽ nghiên cứu những cách thức ảnh hưởng và bị ảnh hưởng bởi tư tưởng và hoạt động tôn giáo đối với sự phát triển của nền dân chủ kiểu Mỹ; nghiên cứu sự đa dạng của tín ngưỡng tôn giáo đương đại trong mối tương quan với tu chính án thứ nhất của hiến pháp Hoa Kỳ, các cuộc bầu cử, hành chính công và nhân khẩu học của Hoa Kỳ. Đối thoại đa tín ngưỡng trong bối cảnh nước Mỹ sẽ được trao đổi trong nhóm và qua các chuyến đi thực địa đến những cộng đồng tôn giáo khác nhau.

     6. Chương trình Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ

Chương trình Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ cung cấp cho một nhóm 18 giảng viên đại học và các nhà nghiên cứu đa quốc gia kiến thức chuyên sâu về cách thức hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Chương trình sẽ điểm lại các sự kiện, cá nhân và triết lý quan trọng đóng góp vào việc hình thành chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Chương trình cũng sẽ làm sáng tỏ vai trò của các thành phần nòng cốt trong hoạch định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, như các ngành hành pháp và lập pháp của chính phủ, truyền thông, công chúng Mỹ, các cơ quan tham mưu, các tổ chức phi chính phủ và các thể chế đa phương. Chương trình còn tìm hiểu công các hoạch định chính sách ngoại giao hiện tại và những khuynh hướng mới đang góp phần hình thành chính sách, bao gồm khái niệm về quyền tối cao của Hoa Kỳ, những thái độ thay đổi về chủ nghĩa toàn cầu hoá, viện trợ Mỹ, giám sát đầu tư của nước ngoài ở Mỹ, nỗ lực chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, các chính sách và hiệp định thương mại mới, an ninh di trú, an ninh biên giới và an ninh mạng. Chương trình cũng thảo luận việc tái cấu trúc Hiệp định NAFTA và cách tiếp cận mới của Hoa Kỳ đối với các tổ chức quốc tế như Liên hiệp Quốc, Tổ chức các nước sản xuất dầu (OPEC) và NATO.

7. Chương trình về Thanh niên, Phát triển Nhân lực và Thu hẹp khoảng cách về Kỹ năng

Chương trình Thanh niên, Phát triển Nhân lực và Thu hẹp khoảng cách về Kỹ năng với 18 học viên gồm các giảng viên đại học và các chuyên gia từ nhiều nước khác nhau, sẽ cung cấp kiến thức chuyên sâu về cách các khuynh hướng kinh tế xã hội mới làm thay đổi khái niệm công việc, phát triển nhân lực và con đường phát triển sự nghiệp ở Hoa Kỳ như thế nào. Chương trình thảo luận sâu về vai trò của các định chế giáo dục Hoa Kỳ, nhất là các trường đại học cộng đồng, trong việc chuẩn bị cho người dân Mỹ các kỹ năng cần thiết để thành công trong các ngành khác nhau bao gồm kinh doanh, công nghệ, khoa học, nghệ thuật tạo hình và các ngành nghề mới nổi. Chương trình còn nghiên cứu về quy hoạch đô thị, toàn cầu hoá, phát triển kinh tế, các tiến bộ công nghệ như tự động hoá, rôbốt học và trí khôn nhân tạo. Chương trình cũng tạo cơ hội cho học viên phối hợp với chuyên viên Mỹ nghiên cứu các ý tưởng mới để hiểu rõ hơn sự chuyển hóa của công việc, sự thay đổi đòi hỏi kỹ năng và những tiến bộ trong việc phát triển lực lượng lao động thông qua công tác đào tạo lại, cung cấp kỹ năng lại và thu hẹp khoảng cách về kỹ năng.

8. Chương trình dành cho các nhà quản lý Giáo dục trung học

Chương trình Nghiên cứu dành cho 3 nhóm 20 chuyên viên quản lý giáo dục cấp trung học có kinh nghiệm để giúp họ hiểu biết sâu hơn về xã hội, nền giáo dục và văn hoá của Hoa Kỳ, quá khứ cũng như hiện tại. Hai trong số ba chương trình này được thiết kế dành cho giáo viên phổ thông, tập trung cung cấp nội dung và tài liệu về đất nước Hoa Kỳ, mà không tập trung vào phương pháp giảng dạy và sư phạm. Chương trình thứ ba dành cho các chuyên viên quản lý có kinh nghiệm, bao gồm chuyên viên đào tạo, biên soạn giáo trình, biên soạn sách giáo khoa, viên chức ngành giáo dục và các chuyên viên khác.

Chương trình còn làm sáng tỏ các cuộc tranh luận về những lĩnh vực chính trị, xã hội và kinh tế trong xã hội Hoa Kỳ. Chương trình gồm bốn tuần giao lưu học hỏi tại các trường đại học Hoa Kỳ, cân đối giữa bài giảng, toạ đàm, hội thảo chuyên đề, đọc tài liệu, tham quan thực địa, gặp gỡ các chuyên viên trong ngành và tham gia các hoạt động văn hoá. Một tuần tham quan nghiên cứu đến địa phương khác tại Mỹ sẽ bổ sung cho thời gian giao lưu học hỏi, giới thiệu sự đa dạng về văn hoá, địa lý và sắc tộc của Hoa Kỳ. Chương trình nêu bật giáo trình dựa vào việc tìm hiểu những nền tảng và sự phát triển trong lịch sử Hoa Kỳ hình thành như thế nào và tiếp tục cung cấp thông tin cho hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội Hoa Kỳ ra sao. Yếu tố văn hoá chính của chương trình liên quan đến các hoạt động phục vụ cộng đồng, cung cấp cho học viên kiến thức tự thân trải nghiệm về vai trò quan trọng của tinh thần tình nguyện trong xã hội dân sự của Hoa Kỳ.

Tiêu chuẩn ứng viên

Ứng viên dự tuyển tham gia các chương trình Nghiên cứu Hoa Kỳ phải hội đủ các điều kiện sau:

  • Trong độ tuổi từ từ 30 - 50;
  • Đối với Chương trình 1-7: Giảng viên hoặc chuyên viên nghiên cứu về Hoa Kỳ yêu nghề và có bề dày kinh nghiệm, ưu tiên các ứng viên có bằng Thạc sỹ trở lên và có hiểu biết sâu sắc về chủ đề của chương trình dự tuyển;
  • Đối với Chương trình 8:  Giáo viên phổ thông, giảng viên của trường sư phạm, chuyên viên biên soạn giáo trình, chuyên viên biên soạn sách giáo khoa về giáo dục phổ thông yêu nghề và có mong muốn đưa các nội dung về Hoa Kỳ học vào chương trình giảng dạy;
  • Quen với cuộc sống học đường, mong muốn và có khả năng tham gia đầy đủ một chương trình nghiên cứu sau đại học và tham quan tập trung, chuyên sâu;
  • Thành thạo tiếng Anh.

Phòng Văn hoá - Thông tin đặc biệt khuyến khích các ứng viên có những điều kiện sau dự tuyển tham gia chương trình:

  • Giảng viên, giáo viên phổ thông ít hoặc chưa từng có trải nghiệm về Hoa Kỳ đang công tác tại các trường có kế hoạch đưa các học phần Hoa Kỳ học vào chương trình giảng dạy, phát triển những khoá học mới liên quan tới các chủ đề của chương trình nghiên cứu mà ứng viên dự tuyển, nâng cao và cập nhật các khoá học hiện có về Hoa Kỳ, hoặc tổ chức các seminar/hội thảo chuyên đề cho đồng nghiệp về những lĩnh vực liên quan tới chủ đề của chương trình nghiên cứu.

 

Đăng ký tham gia

Ứng viên đủ điều kiện từ tỉnh Quảng Trị trở ra Bắc tải mẫu đơn và nộp hồ sơ trực tuyến tại https://bit.ly/2rsAkQD, và gửi thắc mắc về địa chỉ:

Public Affairs Section

United States Embassy

SUSI Program

7 Lang Ha,

Ba Dinh, Hanoi

Tel: (84) 24-3850 5000, ext. 6034 or 6044

Email: pas.culture@gmail.com 

Ứng viên đủ điều kiện từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở vào Nam tải mẫu đơn và nộp hồ sơ trực tuyến https://bit.ly/2zPxXMi, và gửi thắc mắc về địa chỉ:

Public Affairs Section

United States Consulate General

SUSI Program

4 Le Duan, District 1

Ho Chi Minh City

Người liên hệ: Luận Nguyễn

Tel: (84) 28-3520-4618

Email: NguyenLH2@state.gov